Thursday, February 8, 2007

Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 8-2-2007)


Thy Nga, phóng viên đài RFA

Cuối tuần rồi, trong nước lại diễn ra một đợt bắt bớ, tịch thu máy vi tính của các nhà dân chủ. Ngay sau khi nghe tin luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, … bị Công an đưa đi thẩm vấn, nhiều thính giả và bạn đọc đã email đến Đài. Từ trong nước, thính giả Q.V.

Tải audio cua bài này xuống

“Nghe luật sư Lê thị Công Nhân thuật lại với RFA về những gì xảy ra, tôi càng thấy rõ cách làm việc và hành xử của Công an tùy tiện, vô lối tới thế nào. Mấy viên Công an nói rằng Văn phòng luật sư Thiên Ân mở lớp giảng dạy về Nhân quyền, là phạm luật, thì luật pháp Việt Nam ra sao nhỉ?”

Thính giả Ngọc Tuấn ở Tiệp, cho rằng: “Đây là hành vi khủng bố người dân! Chính phủ Việt Nam đã ký kết, và tuyên bố tôn trọng bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhưng thực tế thì lời nói không đi với việc làm.

Sự tranh đấu của những người như luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, ... thể hiện lòng yêu nước vô cùng trong sáng, muốn đất nước được phát triển mọi mặt. Giới cầm quyền nên hiểu rằng Phê phán chế độ không có nghĩa là chống phá tổ quốc.”


Bạn Tom Ngô góp ý: “Hành vi trấn áp đó cho dư luận thấy rõ thêm nỗi e sợ của chế độ cầm quyền trước những đòi hỏi quyền sống của người dân.”

Bạn Ken Nguyễn “vô cùng phẫn nộ trước sự đàn áp thô bạo đó. Chị Lê thị Công Nhân là tấm gương sáng cho giới trẻ chúng tôi noi theo. Chúng tôi ủng hộ, và ngưỡng phục sự kiên cường, bất khuất của Chị.”

Cảm nghĩ của thính giả Bình Hoàng: “Luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân và kỹ sư Bạch Ngọc Dương đều là những người trí thức gan dạ.

Họ hiểu về luật pháp Việt Nam cũng như luật quốc tế, các quan chức sẽ đuối lý. Điều họ làm là chính nghĩa nên được dân chúng ủng hộ, và thế giới giúp đỡ. Chúc các cháu dũng mãnh và hào hùng trước bạo quyền.”


Chia sẻ nỗi quan tâm

Nhiều thính giả như ông Ngọc Khôi ở Canada, ông Nguyễn Kim Luân ở Pháp, xin chia sẻ nỗi quan tâm về trường hợp luật sư Lê thị Công Nhân. Thính giả Ngọc thì thuật lại chuyện đã xảy ra với bà:

“Nghe tin Công an bắt bớ, tôi nhớ lại chuyện như sau, xảy tới với tôi vào cuối thập niên 1970 tại Saigon nơi nhà một góa phụ rất nghèo. Tôi không rõ về người này, chỉ biết bà sống với mẹ già và các con mà một đứa bị bệnh nan y, nên tôi đến thăm.

Khoảng nửa tiếng sau khi tôi vào nhà đó thì Công an đến bủa vây và xông vào, hỏi tôi là ai, liên hệ thế nào với người chủ nhà, và đến đây để làm gì? Tôi trả lời là không quen biết chủ nhà nhưng nghe hoàn cảnh chị ấy có đứa con bị bệnh trầm kha nên đến an ủi chị mà thôi.

Anh Công an nói với tôi: “Chuyện của gia đình này, cô không phải lo, đã có Đảng và Nhà nước lo! Tôi cảnh cáo cô là từ giờ, cô không được vào nhà này nữa. Nếu tái phạm thì chúng tôi sẽ bắt cô và xử theo hình luật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Rồi anh ta buộc tôi ra khỏi nhà.

Vì sợ hãi và nhu nhược, tôi đã không trở lại thăm gia đình ấy Sau đó thì tôi vượt biên. Không biết là chị ấy và các con chị ra sao? Bản tin này cho thấy rằng Công an Việt Nam không thay đổi. Và đây là điều tôi rất buồn.”


Xin cám ơn bà Ngọc đã viết đến Đài, chia sẻ câu chuyện mà chúng tôi hiểu là bà vẫn mang nặng trong tâm tư dù rằng thời gian trôi qua đã lâu. Quãng thời gian đó, chúng tôi nhiều người còn ở trong nước nên thông cảm lắm.

Chính sách Hoa Kỳ

* Thính giả ký là “Vô danh” nêu thắc mắc: “Chính sách của Hoa kỳ đối với Việt Nam có vẻ gì đó không hợp lý: một đằng kêu gọi Việt Nam dân chủ hoá, nhưng một đằng thì làm ngơ trước những vụ đàn áp các nhà hoạt động cho dân chủ. Chính sách ấy của Hoa Kỳ đem lại cho họ các quyền lợi gì?”

Ông theo dõi thời sự hẳn cũng biết ít nhiều về chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ tại châu Á cũng như thể chế dân chủ của Hoa kỳ với các ngành hoạt động độc lập với nhau, và nhất là quyền tự do phát biểu tại nước này, thế nên, nếu có những ý kiến khác biệt nhau về cùng một vấn đề thì cũng dễ hiểu thôi.

Thí dụ như chuyện xảy ra cách nay mấy tháng, trong khi Ủy ban Quốc tế về Tự do Tôn giáo của Quốc hội Hoa kỳ yêu cầu giữ Việt Nam trong danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm (tức CPC) thì bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại quyết định rút tên Việt Nam khỏi danh sách đó.

* Tháng 5 tới đây tại Việt Nam, sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội. Thính giả Tính Nguyễn có câu hỏi hay hay, là tại sao giới cầm quyền Việt Nam bắt tù các cầu thủ bóng đá về tội “dàn xếp tỷ số” trong khi mấy ông trong “Mặt trận Tổ quốc” dàn xếp đưa người ra ứng cử, rồi dàn xếp cho ứng viên được đắc cử vào Quốc hội, lại chẳng sao cả? Cũng là dàn xếp, mà đưa người vào Quốc hội còn làm khổ lắm người dân hơn!

Quyền tự do báo chí tại Việt Nam

* Sau khi nghe về tình trạng quyền tự do báo chí tại Việt Nam, bạn Roman Phạm nói lên cảm nghĩ:

“Quyền tự do báo chí, quyền tự do bày tỏ quan điểm phải được nới rộng, do sự phát triển đi lên về kinh tế, cùng với tầm hiểu biết ngày càng nhiều của dân chúng. Trước tiên, ta phải biết là ta có cái quyền đó, chứ đừng chờ đợi chế độ ban cho.”

Tuần qua, RFA Việt ngữ nhận được nhiều email của giới trẻ. Bạn Nguyễn Hoàng “mong các anh chị ngày càng có nhiều thông tin về phong trào Dân chủ tại Việt Nam, và đưa nhiều tin tức để cho em và đồng bào biết thêm về cuộc sống quanh mình.”

Thư của bạn đọc K.A.: “Năm ngoái du học ở Âu châu, em mới có dịp đọc nhiều bản tin ở đài Á Châu Tự Do. Đài có những tin rất thời sự và đáng tin cậy. Em đã biết nhiều về tình hình Việt Nam hơn là khi còn ở trong nước với chỉ có các báo của Đảng Cộng sản.

Nhưng khi về Việt Nam thì nguồn thông tin này bị cắt ngay vì em không vào được Web của Đài. Em đã thử nhiều cách vượt tường lửa nhưng không thành công.

Vậy xin các anh chị gửi “Bản tin hàng ngày” cho em có thể mở rộng tầm nhìn về thực trạng đất nước của mình. Chúc các anh chị luôn năng động để đài Á Châu ngày càng góp phần vào công cuộc đòi hỏi tự do dân chủ cũng như phục hưng nước nhà.”


Bạn đã có may mắn ra nước ngoài, là dịp để so sánh tình trạng nước nhà với các nước khác. Tự mình suy luận nên những nhận thức này hẳn là rất quý. RFA Việt ngữ cám ơn bạn đã theo dõi chương trình, chúng tôi đã gửi “Bản tin hàng ngày” trong đó có kèm các Proxy và đường dẫn đến các trang web khác tới bạn rồi đấy.

Giới trẻ

* Từ hải ngoại thì bạn Carter Nguyễn viết đến RFA Việt ngữ, sau khi nghe các chương trình “Diễn đàn bạn trẻ” mới đây:

“Tôi thích thú đặc biệt về những câu trả lời cũng như ý kiến rất “Sàigòn” của anh Thanh, hóm hỉnh, mộc mạc nhưng khá sâu sắc. Mong rằng đất nước chúng ta vẫn và sẽ có rất nhiều người như anh Thanh ...”

Và cũng như nhiều bạn trẻ khác, Triết Phan ở California, Hoa Kỳ cho rằng “Diễn đàn bạn trẻ” là tiết mục rất hay, giúp giới trẻ như tụi em hiểu biết về tình hình nước nhà. Có thể nói là hữu ích cho sự phát triển, cho tương lai đất nước sau này. Xin Đài xem xét cho “Diễn đàn bạn trẻ” dài hơn được không.”

Yêu cầu của Triết, cũng như của một số bạn khác, chúng tôi ghi nhận để trình lên ban Giám đốc. Thế này thì có lẽ phải đi “clone” thành vài cô Trà Mi nữa, mới đáp ứng nổi những lời kêu gọi đấy!

* Cũng từ miền nắng ấm California, nơi qui tụ đông đảo người Việt tỵ nạn, bạn Chấn Quốc gửi đến ban Việt ngữ lá email rất dễ thương, viết là

“Biết RFA từ hai năm nay, ngày nào em cũng phải nghe được tiếng của các anh chị thì ngủ mới ngon. Nghe RFA nhiều đến nỗi các tiếng nói dễ mến ấy trở nên quen thuộc như âm thanh của người trong nhà, hồi nào không hay …”

Anh chị em trong ban thích thú lắm khi đọc đến đoạn này, Quốc à. Còn gì vui sướng hơn cho người làm phát thanh khi hay biết là tiếng nói của mình đến với mọi nhà và được quý vị thương mến như thế.

Quốc nói là nghe RFA đã hai năm mà giờ đây, mới email đến chúng tôi? Vậy thì từ nay, phải chịu khó viết đến ban Việt ngữ thường xuyên nhé.

* Cùng lúc ấy, thính giả Ánh cho hay: “Khi tôi về thăm Việt Nam, tôi đã giới thiệu rất nhiều về RFA Việt ngữ vì thông tin của quí đài giúp đồng bào trong nước hiểu hơn, nhất là cho các thanh niên - rường cột quốc gia - biết tìm đường đúng mà đi.”

Những thư từ khác

Thư của bạn Minh Đức ở Đồng Nai, Thy Nga đã nhận được. Rất cảm động về những lời trong thư, xin chúc bạn cùng gia quyến an mạnh và nhiều may mắn trong năm Đinh Hợi.

* Từ mấy tuần nay, RFA Việt ngữ nhận được nhiều lời chúc Tết trong hầu hết những thư và lời nhắn. Đặc biệt là bạn Jimmy Phạm kèm theo Slideshow rất đẹp với những câu thơ và hình ảnh về Tết Nguyên Đán; từ Paris bên Pháp, ông Nguyễn Văn Trước gửi đến toàn ban những bông mai vàng thắm trên tấm thiệp; từ Cali thì ông Dzuy làm một bài thơ với những lời khen tặng ban Việt ngữ, và một bài thơ nữa tựa đề là “Đón Xuân Đinh Hợi” gửi đến đồng bào bên nhà. Xin trích đoạn:

“… Bao năm xa cách, đợi mong

Tình quê vẫn thắm, vẫn nồng như xưa

Nhớ thương kể mấy cho vừa

Mùa xuân ly tán vẫn chưa nhạt nhòa

Bỏ quê hương đấy đi xa

Mỗi lần Xuân đến thiết tha nhớ nhiều

Quê hương tôi thật đáng yêu!

Ra đi để lại bao nhiêu là tình

Giờ tuy đã hết chiến chinh

Chẳng còn khói lửa điêu linh từng ngày

Vậy mà “Ai đấy” có hay

Người dân vẫn phải đọa đầy, khổ đau …

Niềm thương, nỗi nhớ dâng cao

Tình quê chan chứa, dạt dào, mênh mang”


Xin cám ơn ông Dzuy về cảm tình ưu ái dành cho chúng tôi. Tết này là ban Việt ngữ RFA phát sóng được trọn 10 năm rồi đấy! biết bao vui buồn … vui vì cảm thấy mình đóng góp được chút ít cho đời sống đồng bào bên nhà, nhưng buồn khi còn phải tiếp tục tường trình những chuyện thương tâm ở trong nước mà lẽ ra không nên xảy ra.

Lắm khi cũng mệt mỏi nhưng tình thương mến của thính giả và bạn đọc như tiếp sức cho chúng tôi, khích lệ chúng tôi rất nhiều trong công việc tại Đài.

Nhân dịp Tết đến, ban Việt ngữ RFA thân mến chúc toàn thể thính giả và bạn đọc vạn sự như ý nguyện trong năm Đinh Hợi.


Read more!

Đại đức Thích Mẫn Thiện bị yêu cầu phải rời khỏi chùa An Lạc


Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Đại đức Thích Mẫn Thiện, trụ trì chùa An Lạc ở tỉnh Hải Phòng đã nhận thông báo từ thành hội Phật Giáo tỉnh, yêu cầu thầy phải rời khỏi chùa này. Đại Đức Mẫn Thiện trước đây tu tập tại chùa Linh Thứu, xã An Phú, quận Bình Long, tỉnh Bình Phước, thuộc giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Bấm vào đây để nghe bài này

Hiện nay Thầy là thành viên thuộc giáo hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước thành lập.
Mời quý vị nghe thêm chi tiết về việc đại đức Mẫn Thiện bị trục xuất khỏi chùa, qua phần ghi nhận của Đỗ Hiếu.

Mở đầu cuộc trao đổi với đài Á Châu Tự Do chúng tôi, vị trụ trì chùa An Lạc tự giới thiệu với quý thính giả đang nghe chương trình hôm nay:

“Đại Đức Thích Mẫn Thiện cho biết thầy đang trụ trì chùa An Lạc, ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bão, tỉnh Hải Phòng.”

Kế đó, Đại Đức Mẫn Thiện kể lại về lịch sử ngôi chùa đã có từ nhiều thế kỷ trước. Thầy cho biết việc thuyên chuyển thầy từ Đồng Tháp đến phục vụ tại Chùa An Lạc là hòan tòan hợp pháp:

“Ngôi chùa An Lạc đã được xây dựng từ thế kỷ 16, các cổ tháp bị hư hao, siêu vẹo từ thời Pháp thuộc nên di tích này cần phải được trùng tu và giữ gìn. Hồi năm 2001, theo yêu cầu của nhân dân theo đạo Phật, ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã cấp giấy phép cho tu bổ cơ sở tôn giáo này.

Đại Đức Mẫn Thiện được chuyển từ tỉnh Đồng Tháp đến trụ trì chùa An Lạc với sự đồng thuận của chánh quyền , ban tôn giáo và công an sở tại có biên bản chứng thực hoàn toàn hợp lệ.”


Tuy nhiên vào thời gian gần đây, đại đức Mẫn Thiện không hiểu vì lý do gì mà Thành hội Phật Giáo thuộc tỉnh Hải Phòng ra thông báo khẩn, quyết định trục xuất thầy ra khỏi chùa An Lạc:

“Giờ đây bổng dưng có thông báo của thành hội Phật giáo tỉnh Hải Phòng, mà thầy cho là một mưu đồ, quyết định trục xuất thầy ra khỏi chùa An lạc.

Thầy suy đoán rằng, sở dĩ thầy bị trục xuất khỏi chùa là vì thầy không còn tin tưởng vào giáo hội Phật giáo do nhà nước kiểm soát nửa, mà muốn quay về sinh hoạt với giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một tôn giáo không được chánh quyền công nhận.”


Trước sự việc khó hiểu này, một số Phật Tử trong vùng đã đi cùng với Thầy đến tận Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Phòng để yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề và giải quyết nội vụ , nhưng vẫn chưa có kết quả gì.

Thầy cho biết là muốn trở về sinh hoạt với giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và nhất quyết sống chết tại ngôi chùa An Lạc:

“ Một số Phật tử đã đến đồn công an huyện Vĩnh Bão và ra ủy ban nhân dân tỉnh để khiếu nại về quyết định trục xuất vị trụ trì và đòi hỏi công lý. Các cơ quan công quyền này vẫn yên lặng, không chịu xử lý yêu sách của các Phật Tử.

Không những không quan tâm đến lời tố cáo tham nhũng xảy ra tại xã Vĩnh Phong mà công an còn mời thầy tới cơ quan làm việc liên tục mấy ngày qua. Ngoài ra, viên chức địa phương còn mua chuộc các Phật Tử để đuổi thầy ra khỏi chùa An Lạc.”


Khi nói về trường hợp Đại Đức Thích Mẫn Thiện bị trục xuất khỏi chùa An Lạc ở Hải Phòng, ông Võ Văn Ái phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, từ Paris cho đài RFA biết, là ông sẽ trình bày hoàn cảnh khó khăn của thầy trước công luận quốc tế để nhờ can thiệp:

“Đại Đức Thích Mẫn Thiện đang bị sách nhiễu trầm trọng nhưng không được giáo hội Phật giáo do nhà nước quản lý bảo vệ, dù thầy là một thành viên của họ. Vì lẽ đó, Đại Đức xin gia nhập giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Một quan chức bộ Nội Vụ cũng đến hỏi về việc Đại Đức lên tiếng qua các đài phát thanh , báo chí và quyết định gia nhập giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không được nhà nước công nhận.

Đại Đức trả lời với viên chức đó rằng, thầy nhận thấy Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là giáo hội có truyền thống lịch sử và luôn sẵn sàng can thiệp, bảo vệ, bênh vực không những cho Phật Tử mà cả cho những ai bị oan ức.

Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế đã thành lập hồ sơ để nhờ Liên Hiệp Quốc và chính giới Âu Mỹ can thiệp cho Đại Đức Thích Mẫn Thiện. ”


Xin cám ơn Đại Đức Thích Mẫn Thiện và ông Võ Văn Ái đã dành thời giờ cho cuộc trao đổi hôm nay.


Read more!

Thị trường chứng khoán Việt Nam: mối nguy tiềm ẩn


Lê Dân, phóng viên đài RFA

Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa là thị trường chứng khoán Việt Nam tạm nghỉ ăn Tết. Trong không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, bất chấp nhiều lời cảnh giác được các giới chuyên môn đưa ra, người ta vẫn hăm hở lao vào mua bán chứng khoán, cổ phiếu để mong nắm được vận đỏ vào những ngày đầu năm Đinh Hợi.

Bấm vào đây để nghe bài này

Tin tức vẫn liên tục loan tải, nào là "thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ", nào là "Chỉ số VnIndex vượt ngưỡng 1,100", nào là "Một trăm nhà tỷ phú chứng khoán"..... Một chuyên viên chứng khoán hiện diện ngay tại sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh giải thích với chúng tôi về những tin tức vừa kể.

Cô nói: “Thật ra việc tăng VnIndex của Việt Nam là do từ phía cung cấp ít mà phía nhu cầu thì cao. Nếu đầu tư vào thị trường bây giờ, lợi nhuận cũng khá cao. Tính VnIndex từ đầu năm 2006 đến cuối năm là tăng gần như 150%.”

Tin đồn thổi phồng

Những tin đồn thổi về lợi nhuận khổng lồ, nhanh chóng và dễ dàng từ chứng khoán đang tạo sức hấp dẫn đặc biệt với người dân.

Từ trung tuần tháng Mười Một, tức vào lúc Việt Nam xem như đã gia nhập cùng 149 quốc gia khác vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến"cơn lốc" tăng giá cổ phiếu của các công ty trên cả hai thị trường niêm yết và không niêm yết.

Có những buổi chào bán cổ phiếu IPO, tức loại lần đầu phát hành ra công chúng, số lượng người đăng ký và lượng đặt mua vượt ngoài sự mong đợi của tổ chức bảo lãnh và công ty chào bán, vượt quá sự tưởng tượng của các nhà chuyên môn hay cá nhân dày dạn kinh nghiệm về thị trường chứng khoán.

Hiện tượng đó, thay vì được vài tờ báo ca tụng là "bùng nổ", là "vượt trội", là "sôi động"....thì các tổ chức quốc tế đều bày tỏ sự lo ngại. Điển hình như Phòng Thương mại Hoa Kỳ AmCham tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới World Bank....đều nêu lên sự cảnh giác người đầu tư nhỏ lẻ và mới mẻ của Việt Nam cần quan tâm.

Hiện tượng bất thường

Lý do là có những loại cổ phiếu giá tăng ngoài dự kiến, vượt quá khả năng hoàn lợi trong một thời gian hợp lý. Đó là các loại cổ phiếu có chỉ số P/E quá cao. Nói một cách đơn giản, P là Purchase tức Mua theo tiếng Anh, và E là Earning tức Thu lợi. Mua một cổ phiếu giá 100 ngàn, sẽ được chia cổ tức là 10 ngàn một năm, thì chỉ số P/E là 10. Tỷ số đó có nghĩa là người mua sẽ thu lại vốn trong 10 năm và sau đó mới hưởng lãi.

Chỉ số P/E của một doanh nghiệp lành mạnh quốc tế thông thường là trong khoảng từ 8 đến 15. Tuy nhiên hiện có những cổ phiếu gọi là "hot" trên thị trường Việt Nam, được tranh mua, tranh bán, lại có chỉ số P/E quá cao, có khi cao hơn 100, theo nhận định mới công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam.

Đó là cổ phiếu các công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PVD có chỉ số P/E tới 328, công ty Cổ phần Vận tải Xăng Dầu Đường Thủy VIP có chỉ số 112, công ty Địa ốc Hòa Bình HBC có chỉ số 162.

Nói một cách đơn giản và nếu không có gì thay đổi, thì người sở hữu một cổ phiếu có chỉ số P/E là 112 thì phải chờ chừng đó năm thì mới thu lại được vốn qua việc nhận cổ tức.

Hiện tượng giá cao bất thường đó làm các nhà chuyên môn về tài chính không yên tâm. Một chuyên viên Việt Nam không ngạc nhiên khi đưa ra nhận định :

“Nhà đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán thì chắc chắn sẽ tung ra những tin đồn có lợi cho họ. Họ nói giá cổ phiếu loại này đang lên, đang lên, đang lên, và khi nó lên cao thì họ sẽ bán ra. Khi họ mua vào thì tung ra những thông tin để cho giá nó sụt xuống để họ thu vào. Các nhà đầu cơ hòan toàn có khả năng làm việc đó.”

Thật ra, tìm cho được chỉ số P/E của một loại cổ phiếu không phải là việc dễ dàng tại một thị trường chứng khoán còn non trẻ như tại Việt Nam. Lý do là việc chia cổ tức chưa được xúc tiến thường xuyên và minh bạch. Thêm vào đó là lượng thông tin về các doanh nghiệp đã chưa đầy đủ, mà còn chưa chính xác.

Hệ quả

Do đó, trong cơn sốt chứng khoán, người mua phần lớn chỉ dựa vào cảm tính của mình, hoặc của....bạn bè, hay người tư vấn....Mục tiêu là làm sao "đánh nhanh, rút gọn" với "chiến lợi phẩm" theo lời mô tả của một nữ viên chức SàiGòn.

“Ví dụ họ mua theo dạng cổ phiếu này ngày hôm nay có mức giá này. Ngày mai có thể nó có giá cao hơn một tí thì người ta bán ngay, thì được lời. Rõ ràng là như vậy, nhưng không phải ai cũng lời. Nó chỉ là cơn sốt ảo mà thôi.”

Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa là thị trường chứng khoán Việt Nam tạm ngưng để ăn Tết. Trong thói quen thu hết lợi nhuận, nợ nần về trước cuối năm, không ít nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu ra.

Nếu không, trong vài ngày ngưng giao dịch, thị trường cổ phiếu trầm lắng xuống ít nhiều, bớt sốt đi, thì hệ quả là sẽ có một số không ít người đành chịu thua thiệt. Ngoài ra còn tác động xấu tới một số khu vực liên quan như lời cảnh báo của nhà chuyên viên tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.

“Đặc biệt hiện nay các ngân hàng đang cho vay, cầm cố chứng khoán, cổ phiếu nữa. Nếu như thị trường chứng khoán biến động, sụt giảm, thì không những ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng.”

Tuy nhiên, ngân hàng là nơi quy tụ các chuyên viên kinh tế tài chính nên giới bị tác động nhiều nhất vẫn sẽ là các nhà đầu tư non tay, ít kiến thức và kinh nghiệm. Thị trường chứng khoán Việt Nam bây giờ không còn thuần nghĩa là nơi đầu tư lành mạnh, mà là một canh bạc, có kẻ ăn người thua.


Read more!

Tuesday, February 6, 2007

Phỏng vấn thân mẫu luật sư Lê Thị Công Nhân về việc xét nhà khẩn cấp

Việt Hùng, đài RFA

Cũng liên quan đến câu chuyện của các khuôn mặt tranh đấu cho dân chủ tại Hà nội gặp rắc rối với công an từ mấy ngày qua, phái viên Việt Hùng của ban Việt ngữ đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Lệ, thân mẫu của luật sư Lê Thị Công Nhân. Bà cũng là người mà luật sư Công Nhân gọi một cách thân yêu là hậu phương vững mạnh của cô. Từ Hà Nội, bà Trần Thị Lệ cho biết:

Here is the beginning of my post. And here is the rest of it.

Bà Trần Thị Lệ: Chuyện xảy ra với con gái tôi thì anh biết rồi đấy. Hôm qua (4-2) lúc khoảng 6: 00 PM họ có đưa về đọc lệnh xét nhà khẩn cấp. Họ xét trong 3 tiếng đồng hồ rồi sau đó họ lại đưa con gái tôi đi làm việc đến tận hơn 12 giờ đêm mới đưa về. Con gái tôi suốt thời gian gần 2 ngày không ăn gì cho nên rất mệt chứ không bị đánh đập gì.

Việt Hùng: 12 giờ đêm ngày Chủ Nhật (4-02) họ mới thả con gái bà về, cô ấy có chia sẻ với bà trong lúc làm việc với cơ quan an ninh như thế nào hay không thưa bà?

Bà Trần Thị Lệ: Nói chung rất là căng thẳng, họ điều tra nhiều thứ, nói chung họ cũng đàn áp, nạt nộ ghê lắm, tuy nhiên con tôi không bị đánh.

Việt Hùng: Thưa bà trước những việc là của con gái bà như vậy, phản ứng của gia đình bà như thế nào?

Bà Trần Thị Lệ: Thật ra khi họ đọc lệnh khám nhà họ có hỏi ý kiến tôi như thế nào thì tôi nói tôi chỉ là một công dân. Nếu tôi có quyền nói thì tôi sẽ kịch liệt phản đối việc khám nhà như vậy. Tôi có nói với họ "Tôi là một công dân, tôi cũng chẳng có quyền gì nên tôi cũng đành phải để cho các ông khám nhà như vậy và các ông làm thì các ông cứ theo luật các ông làm...", chứ còn mình phản đối, chống đối cũng chả được.

Việt Hùng: Nhưng mà cơ quan an ninh thì họ nói rằng, con gái bà đang làm những việc chống lại nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.?

Bà Trần Thị Lệ: Họ nói là vi phạm, nhưng tôi nói theo tôi thấy thì con tôi không có vi phạm gì hết, bởi vì theo Hiến pháp đảng thì đảng lãnh đạo, nhưng đâu có cấm một đảng chính trị khác hoạt động đâu vì thế tôi nói với họ là con gái tôi làm việc không có điều gì phạm pháp ở đây cả.

Nếu mà nói là phải đăng ký hoạt động thì hồi trước tôi có nói với họ là, nếu mà nói phải đăng ký và xin phép thì không có lý nào mà lại nói một đảng này phải xin phép đảng khác để được thành lập, có đúng không ạ?

Tôi có nói với họ, vì đảng của con gái tôi là chống độc tài, bây giờ các ông bảo phải xin phép nhà nước, nhưng trong khi nhà nước là đảng - đảng là nhà nước, cho nên xin phép nhà nước tức là xin phép đảng, mà không có lý do gì, không có một quốc gia nào mà một đảng chính trị lại phải đi xin phép một đảng chính trị kia để hoạt động cả. Và tôi có nói cái gì gọi là đồng đẳng thì không phải xin phép nhau, có đúng không ạ! Thì tôi cũng có nói với họ như thế.

Việt Hùng: Trước khi chấm dứt cuộc nói chuyện, với quí thính giả của Đài Á Châu Tự Do cả trong và ngoài nước là thân mẫu của luật sư Lê Thị Công Nhân bà có điều gì cần bày tỏ?

Bà Trần Thị Lệ: Là một công dân bình thường tôi thấy lĩnh vực nào cũng thế thôi, phải có sự cạnh tranh thì mới có sự phát triển tốt, ngay ở Việt Nam từ khi có sự cạnh tranh tư nhân và nhà nước thì nền kinh tế mới có sự phát triển hơn.Trường học thì phải có trường Dân lập - Công lập để mà cạnh tranh.

Tôi nghĩ nếu chỉ có độc đảng, đá bóng mà tự cầm còi thì chả ra sao cả thì chính cái đó mới đưa đất nước đến tình trạng hiện nay, tình trạng suy thoái rất lớn đặc biệt là về mặt đạo đức. Tôi nói về vấn đề chính trị cũng thế thôi cũng phải có một sự cạnh tranh, ít nhất cũng phải có một vài đảng nào đó ra đời để những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam thấy là mình sắp sửa bị lung lay gì đó....

Một đảng nào đó ra đời thì cũng để cạnh tranh và như thể thì người dân sẽ sống được thoải mái hơn, ý tôi muốn nói là thoải mái trong bầu không khí chính trị.

Việt Hùng: Thay mặt quí thính giả xin cám ơn bà.

Bà Trần Thị Lệ: Cho tôi xin gửi lời chào tất cả mọi người ạ.


Read more!

Luật sư Lê Thị Công Nhân kể lại sự việc bị công an bố ráp, bắt giữ



Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Trong mấy ngày vừa qua, dư luận trong ngoài nứơc quan tâm đến những chuyện xẩy ra với một số khuôn mặt tranh đấu cho dân chủ ở Hà nội, trong đó có luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh và anh Phạm Văn Trội.

Biên tập viên Nguyễn An của ban Việt ngữ đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Lê Thị Công Nhân và đựơc cô kể lại câu chuyện chi tiết theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ sáng ngày 3 tháng hai giờ Việt Nam:

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Vào lúc 10 giờ kém 15 phút sáng ngày 3/2 khi tôi đang chào hỏi 3 em thanh niên đến văn phòng và tôi đang chuẩn bị giới thiệu với các em một bài viết của ông tiến sĩ triết học Đỗ Mạnh Tri có tên gọi là "Nhân Phẩm: Nền Tảng của Nhân Quyền" với mục đích là truyền bá về dân chủ và nhân quyền cho những người khác.

Thì công an họ ập vào văn phòng. Họ có khoảng gần 15 người và họ dùng vũ lực bắt chúng tôi ra xe và đưa tôi đi về công an phường Bùi Thị Xuân.

Nguyễn An: Tức là cả cô và mấy em học sinh luôn phải không?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Vâng, anh thanh niên, anh Bạch Ngọc Dương và anh Phạm Văn Trội, lúc đó trong văn phòng có 6 người. Chúng tôi không đi, chúng tôi nói rằng chúng tôi không phạm tội gì hết.

Có người cảnh sát khu vực tên là Đẩu, là công an của phường Bùi Thị Xuân đi cùng với rất nhiều mật vụ. Anh Đẩu mặc quân phục, có đeo biển tên cho nên tôi mới biết tên. Anh ta nói rằng anh ta nhận được đơn tố giác tại văn phòng luật sư Thiên Ân đang diễn ra việc mở lớp học về nhân quyền và như thế là vi phạm pháp luật.

Chúng tôi kiên quyết không đi, thì họ đã túm vào cơ thể của tôi cũng như của những người kia và xô đẩy chúng tôi vào xe ô tô để đi ra công an phường. Khi ra đến công an phường thì họ phân tách chúng tôi ra vào những phòng thẩm vấn khác nhau. Họ hỏi tôi quanh về nội dung tôi giảng bài và việc tổ chức lớp học. Tôi có trả lời người công an này, tên là Võ Minh Thụy là mật vụ của A42.

Sau đó đến buổi chiều thì anh Phạm Văn Trội, lúc khoảng 4 giờ thì công an Hà Tây họ cử người lên để áp tải anh Phạm Văn Trội về Hà Tây. Còn 3 em học sinh thì tôi có nhìn thấy là được ra xe để đi về vào lúc khoảng 6 giờ chiều, về đâu thì tôi không biết. Tôi được công an thả ra vào lúc 3 giờ chiều.

Nguyễn An: Tức là họ đã giữ cô qua một đêm phải không ạ?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Không, từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều ngày 3/2 thì công an họ thả tôi. Họ kêu về đi. Tôi bảo là "không, các anh bắt tôi như con chó con mèo, không có giấy tờ gì hết. Tôi yêu cầu phải có biên bản về việc bắt giữ này và tôi sẽ đợi cho đến khi nào 3 anh thanh niên kia được thả ra".

Tôi ở lại và đợi cho đến 6 giờ chiều. Khi các anh thanh niên được thả ra đi về thì tôi yêu cầu họ đưa cho tôi biên bản về việc chọ bắt giữ tôi phi pháp như vậy. Không có một giấy tờ gì. Họ không đưa và họ kêu tôi tự đi về và tôi không đồng ý.

Sau đó anh Bạch Ngọc Dương, anh Nguyễn Phương Anh và anh Nguyễn Văn Đài có đến thăm tôi. Anh Bạch Ngọc Dương thì được thả ra từ chiều và anh đã đi về. Tới hơn 6 giờ thì các anh quay lại thăm tôi. Khi các anh quay lại như vậy thì các anh cũng bị bắt ở lại đó luôn.

Nguyễn An: Như vậy là những người đó đến thăm cô rồi bị giữ lại luôn?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Vâng, đầu tiên họ chưa giữ lại và chúng tôi được ngồi nói chuyện với nhau vào độ vài chục phút. Các anh khuyên tôi nên ăn uống vì tôi đã tuyệt thực từ khi tôi bị bắt cho đến tận buổi chiều. Các anh có mua bánh mì và một vài thức ăn khô loại có kem sữa bên trong.

Nhưng tôi cương quyết không ăn. Tôi nói là tôi không thể chấp nhận được việc làm của công an bắt giữ tôi mà xúc phạm đến danh dự của tôi một cách nghiêm trọng như vậy. Túm người tôi và xô đẩy tôi đi như thế. Tôi yêu cầu là phải có biên bản về việc làm này. Khi nào họ đưa thì tôi mới đi về.

Chúng tôi ngồi nói chuyện được một lúc thì sau đó có nhiều người gọi điện thoại hỏi thăm tôi, công an họ nhảy vào và họ cướp điện thoại của tôi. Nhưng họ đã không cướp được (lúc đó là linh mục Nguyễn Văn Lý gọi điện thoại cho tôi và linh mục đã chứng kiến toàn bộ cuộc "khẩu chiến" về việc họ định cướp điện thoại của tôi!).

Tôi đã hô lên là "công an ăn cướp" và họ đã dùng vũ lực túm lấy tay tôi giựt điện thoại, nhưng tôi đã kịp giấu điện thoại vào bên trong người, cho nên họ không giật được.

Đến khoảng 7:30 thì tôi quyết định đi ra ngoài để nói chuyện điện thoại. Ra ngoài cổng công an thì lúc đấy họ chận tôi lại. Họ bắt tôi, họ tuyên bố là từ trưa đến giờ không chịu về thì bây giờ họ bắt tôi lại luôn.

Nguyễn An: Tức là bây giờ thì không cho về nữa?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Vâng. Và sau khi họ bắt tôi ở lại thì họ bắt luôn cả 3 anh kia là anh Nguyễn Văn Đài và anh Bạch Ngọc Dương... bắt ở lại hết. Đến khoảng 10 giờ tối thì họ bắt anh Bạch Ngọc Dương và anh Nguyễn Phương Anh vào hai buồng để thẩm vấn. Một lúc sau họ cho anh Dương đi xuống.

Trong lúc anh Dương đi xuống thì anh công an họ có nói lời lẽ rất xúc phạm đến anh Dương là anh Phạm Ứng (?). Anh Phạm Ứng, thì gần một chục công an họ nhảy vào, họ đánh, đấm trước mặt chúng tôi.

Nguyễn An: Họ đánh ngay trước mặt cô à?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Trước mặt tôi và anh Nguyễn Văn Đài. Gần một chục công an nhảy vào đánh anh Bạch Ngọc Dương. Anh bị đánh, bị đá, bị túm vào đầu vào cổ. Bị trầy sướt hết cả cổ, để lại những vết thâm tím mà ngày hôm sau tôi mới nhìn thấy. Họ đánh vào đầu làm rơi cả kính của anh ấy và gẩy cả kính vì mắt anh Dương bị cận thị. Lúc đó vào khoảng 10 giờ đêm ngày 3/2/2007.

Ngay sau đó thì công an họ đưa tôi và anh Nguyễn Văn Đài về lại văn phòng luật sư Thiên Ân để thực hiện việc mà họ gọi là "khám xét khẩn cấp". Và việc khám xét đó đã kéo dài cho đến 0:30 sáng ngày 4/2/2007.

Sau đó họ đưa chúng tôi quay trở lại công an phường Bùi Thị Xuân. Họ tịch thu khoảng 2 thùng tài liệu giấy tờ (thùng đựng tivi) cộng với cả CPU máy tính. Còn anh Bạch Ngọc Dương và anh Nguyễn Phương Anh thì tôi không biết tình hình như thế nào.

Nhưng sau đấy thì tôi nghe nói là các anh không bị giữ lại qua đêm. Tôi với anh Đài bị họ giữ cho đến 2 giờ, thì họ bắt chúng tôi vào 2 căn phòng thẩm vấn. Lúc đấy thì tôi không gặp lại anh Đài nữa.

Tôi cương quyết không thẩm vấn. Tôi nói rằng tôi rất mệt mỏi, tôi tuyệt thực cả ngày và tôi bị hạ huyết áp, huyết áp của tôi trung bình chỉ có 60/90. Giằng co như vậy khoảng 15 phút thì công an họ quyết định cho tôi nghỉ và họ để cho tôi nằm trên giường của một ông công an nào đó trong trụ sở công an phường. Và có một nữ công an ngồi canh ngay bên cạnh chỗ tôi ngủ.

Đến sáng ngày hôm sau thì tôi thấy anh Đài vẫn ở đấy. Lúc đó khoảng 7:30, công an họ đánh thức tôi dậy, họ bắt dậy làm việc. Hóa ra tôi biết là anh Đài cũng bị giữ ở đó để thẩm vấn qua đêm. Anh ấy cũng không đồng ý thẩm vấn và họ cuối cùng cũng để cho anh ấy đi ngủ. Buổi sáng thì họ bắt hai chúng tôi ở đó và chia vào hai căn buồng khác nhau để thẩn vấn tiếp.

Đến 12 giờ trưa ngày 4/2 thì cả tôi và anh Nguyễn Văn Đài bị đưa lên xe để đưa về 87 Trần Hưng Đạo của công an thành phố Hà Nội và tiếp tục cuộc phỏng vấn ở đó. Khi vừa mới đến 87 Trần Hưng Đạo thì chúng tôi đã bị đưa vào những căn buồng khác nhau để tiếp tục thẩm vấn. Sau đó, bên phía anh Đài thì tôi không biết thế nào vì không có gặp lại.

Lúc 6 giờ chiều, bên phía tôi thì công an họ vào bàn với tôi về vấn đề khám nhà và họ áp tải tôi về nhà tôi để khám nhà từ 6 giờ chiều cho đến 9 giờ tối ngày 4/2. Ở nhà thì có mẹ tôi, họ khám nhà và lục soát tất cả mọi thứ, tất cả sách vỡ của tôi ... và họ thu máy tính của tôi. Sau đó họ đưa tôi cùng tất cả tài liệu đó trở về 87 Trần Hưng Đạo và ở đó để thẩm vấn tiếp tục.

Khi từ nhà tôi, tôi cương quyết là không. Tôi nói với họ tôi đã bị bắt giữ như vậy là 36 tiếng đồng hồ và tôi không chấp nhận được những việc làm như vậy. Các anh giữ tôi qua đêm quá 24 giờ theo đúng luật và không hề có bất kỳ một giấy tờ gì. Họ nói rằng việc bắt đấy thì họ không cần biết, bây giờ là phải đi. Mẹ tôi cũng phản đối quyết liệt, lúc đấy có cả em gái và em rễ tôi về nhà ăn cơm.

Sau đấy, anh công an tên là Lưu Quang Du khoảng 35 tuổi, nói rằng là 10 giờ đêm sẽ đưa tôi quay trở lại nhà. Sau đấy họ nói rằng cương quyết bắt tôi đi và tôi không còn cách nào khác và tôi đành phải đi. Họ đưa tôi quay trở lại 87 Trần Hưng Đạo. Khi đến đó thì họ cũng thẩm vấn tôi nhiều chuyện, đến khoảng 10:30 họ vẫn không cho tôi về.

Khi tôi yêu cầu được về thì họ nói là không được, giữ ở đây thẩm vấn cả đêm luôn. Tôi đã phản ứng cực kỳ quyết liệt, tôi gần như gào thét lên giữa căn phòng đó với gần 1 chục nam và nữ công an. Tôi nói với họ rằng 2 ngày rồi tôi không có thay quần áo và tôi không chấp nhận như vậy, tôi đã tuyệt thực và tôi vô cùng mệt mỏi và hạ huyết áp.

Họ nói với tôi rằng đấy là do chị lựa chọn như thế. Cuối cùng họ đã quyết định là cho tôi về, và họ kêu chị tự đi về. Tôi nói không có chuyện đấy, các anh bắt tôi đi thì các anh phải đưa tôi về. Sau đấy thì họ đã đưa xe ô tô cùng với 3 công an nữa áp tải tôi về nhà. Vào lúc 11:40 đêm thì tôi rời khỏi công an. 12 giờ đêm thì tôi về đến nhà.

Trước khi tôi đi về thì họ gởi cho tôi giấy triệu tập đi làm việc sáng nay vào lúc 9 giờ. Tôi đã không đi. Hồi nãy vào lúc 8:15 có một anh công an tên là Lê Quang Nam và một công an khu vực là Nguyễn Thanh Sơn đã đến nhà tôi và giao cho tôi giấy triệu tập làm việc lần thứ hai. Đấy là toàn bộ sự việc.

Nguyễn An: Khi thẩm vấn cô thì họ xoay quanh vấn đề gì?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Họ nói rằng Bộ chính trị đã chỉ đạo họ và họ sẽ truy tố chúng tôi và tống chúng tôi vào tù. Họ nói nguyên văn như vậy. Họ nói rằng tôi đã phạm vào điều 88 bộ luật hình sự. Đó là: "tuyên truyền chống phá nhà nước XHCNVN".

Nguyễn An: Theo lệnh mà họ yêu cầu thì bao giờ cô lại phải trình diện lại?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Ngày mai là triệu tập lần thứ hai. Nếu tôi không đi thì họ cưởng chế bằng vũ lực. 9 giờ sáng mai.

Nguyễn An: Cái mà chúng tôi bâng khâng bây giờ là tình hình sức khỏe của cô. Cô thấy khỏe chưa?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi mắc một số căn bệnh nặng tính. Nhất là huyết áp của tôi là thấp nhất ở trong khung trung bình. Huyết áp của tôi chỉ có 60/90, cho nên tôi thường xuyên bị nhức đầu chóng mặt. Thứ hai là tôi bị bệnh viêm khí quản mản tính.

Tất cả những bệnh này đều có lệnh của bác sĩ và còn rất nhiều bệnh khác mà không tiện kể ra đây. Cho nên sức khỏe của tôi, sống một cách an vui bình thường thì tôi cũng không phải mạnh khỏe như mọi người.

Và trong suốt 38 tiếng đồng hồ bị bắt giữ một cách trái pháp luật và bằng vũ lực như vậy bởi công an Cộng sản Việt Nam từ 10 sáng ngày 3/2 cho đến 12 giờ tối ngày 4/2, tôi hoàn toàn không ăn bất kỳ một thứ gì. Mặc dù công an họ có mua thức ăn cho tôi, lúc là cơm, lúc là phở, lúc là xôi, tôi hoàn toàn không ăn bất kỳ một cái gì hết. Tôi chỉ uống nước thôi.

Tôi đã hoàn toàn bị suy sụp sức khỏe khi về nhà vào lúc 12 giờ đêm ngày hôm qua, tôi gần như là bị ngất đi. Nhưng rất may là tôi đã không bị như vậy.

Nguyễn An: Thưa cô, tôi nghĩ rằng cô nên ăn uống một chút gì đó bởi vì đầu tiên là phải giữ sức khỏe. Tại vì chưa biết là những chuyện gì sẽ xảy ra.

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi xin cám ơn lời khuyên và sự quan tâm của anh. Nhưng việc tôi tuyệt thực là hình thức phản đối của tôi đối với những hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối xử với tôi.

Khi mà những hoạt động đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền của tôi là hoàn toàn công khai và tuyệt đối bất bạo động. Đấy là một hành vi của tôi để thể hiện việc phản đối. Hành vi đó là hành vi bất bạo động. Tất nhiên tôi phải gánh chịu lấy bao nhiêu khổ sở đối với chính mình. Nhưng tôi nghĩ rằng cá nhân tôi đã cương quyết lựa chọn hình thức đó. Khi nào còn làm việc với công an CSVN thì tôi sẽ còn tuyệt thực. Nhưng trước mắt là tôi không biết tôi sẽ phải chịu đựng điều đó đến bao giờ.

Nguyễn An: Trước tình hình công an họ mời lên làm việc, rồi đe dọa như vậy thì cô dự kiến đối phó như thế nào ạ?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi là một người trung thực và những gì mà tôi làm thì tôi sẽ nhận. Đó là tinh thần làm việc với công an. Còn về mặt thời gian và về những vấn đề khác thì quả thực thưa anh là tôi không thể nào chủ động được bởi vì công an họ luôn dùng vũ lực đối với tôi.

Tôi chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra nhỡ công an có gán ép tôi vào những tội danh nào đó và tôi có thể bị vô tù. Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần đó cho gia đình của tôi.

Nguyễn An: Thưa cô, thính giả của đài rất quan tâm đến hoàn cảnh của cô. Cho nên xin cô cho phép chúng tôi được thường xuyên gọi về để hỏi thăm cô xem là mọi sự diễn biến ra sao ạ?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Vâng, xin rất cảm ơn anh. Tôi xin được cảm ơn đài Á Châu Tự Do và quý thính giả đã quan tâm đến tình hình của tôi. Và tôi cũng xin gởi gắm đến quý vị một điều là xin hãy thường xuyên liên lạc với gia đình của tôi, đó là mẹ tôi vì bây giờ chỉ có hai mẹ con... tất cả các sự liên lạc đó của quý vị sẽ là một sự động viên rất lớn đối với mẹ tôi và đối với tôi, bởi vì mẹ tôi là một "hậu phương vững chắc" đối với tôi, luôn yêu thương tôi và ủng hộ tôi rất nhiều trong công việc này mặc dù mẹ tôi đã rất lớn tuổi ...

Nguyễn An: Chúng tôi xin cảm ơn luật sư Lê Thị Công Nhân đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn và xin chúc cô sức khỏe.

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Vâng, xin cám ơn anh, cám ơn toàn thể quý vị đã lắng nghe.


Read more!