Thursday, February 8, 2007

Thị trường chứng khoán Việt Nam: mối nguy tiềm ẩn


Lê Dân, phóng viên đài RFA

Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa là thị trường chứng khoán Việt Nam tạm nghỉ ăn Tết. Trong không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, bất chấp nhiều lời cảnh giác được các giới chuyên môn đưa ra, người ta vẫn hăm hở lao vào mua bán chứng khoán, cổ phiếu để mong nắm được vận đỏ vào những ngày đầu năm Đinh Hợi.

Bấm vào đây để nghe bài này

Tin tức vẫn liên tục loan tải, nào là "thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ", nào là "Chỉ số VnIndex vượt ngưỡng 1,100", nào là "Một trăm nhà tỷ phú chứng khoán"..... Một chuyên viên chứng khoán hiện diện ngay tại sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh giải thích với chúng tôi về những tin tức vừa kể.

Cô nói: “Thật ra việc tăng VnIndex của Việt Nam là do từ phía cung cấp ít mà phía nhu cầu thì cao. Nếu đầu tư vào thị trường bây giờ, lợi nhuận cũng khá cao. Tính VnIndex từ đầu năm 2006 đến cuối năm là tăng gần như 150%.”

Tin đồn thổi phồng

Những tin đồn thổi về lợi nhuận khổng lồ, nhanh chóng và dễ dàng từ chứng khoán đang tạo sức hấp dẫn đặc biệt với người dân.

Từ trung tuần tháng Mười Một, tức vào lúc Việt Nam xem như đã gia nhập cùng 149 quốc gia khác vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến"cơn lốc" tăng giá cổ phiếu của các công ty trên cả hai thị trường niêm yết và không niêm yết.

Có những buổi chào bán cổ phiếu IPO, tức loại lần đầu phát hành ra công chúng, số lượng người đăng ký và lượng đặt mua vượt ngoài sự mong đợi của tổ chức bảo lãnh và công ty chào bán, vượt quá sự tưởng tượng của các nhà chuyên môn hay cá nhân dày dạn kinh nghiệm về thị trường chứng khoán.

Hiện tượng đó, thay vì được vài tờ báo ca tụng là "bùng nổ", là "vượt trội", là "sôi động"....thì các tổ chức quốc tế đều bày tỏ sự lo ngại. Điển hình như Phòng Thương mại Hoa Kỳ AmCham tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới World Bank....đều nêu lên sự cảnh giác người đầu tư nhỏ lẻ và mới mẻ của Việt Nam cần quan tâm.

Hiện tượng bất thường

Lý do là có những loại cổ phiếu giá tăng ngoài dự kiến, vượt quá khả năng hoàn lợi trong một thời gian hợp lý. Đó là các loại cổ phiếu có chỉ số P/E quá cao. Nói một cách đơn giản, P là Purchase tức Mua theo tiếng Anh, và E là Earning tức Thu lợi. Mua một cổ phiếu giá 100 ngàn, sẽ được chia cổ tức là 10 ngàn một năm, thì chỉ số P/E là 10. Tỷ số đó có nghĩa là người mua sẽ thu lại vốn trong 10 năm và sau đó mới hưởng lãi.

Chỉ số P/E của một doanh nghiệp lành mạnh quốc tế thông thường là trong khoảng từ 8 đến 15. Tuy nhiên hiện có những cổ phiếu gọi là "hot" trên thị trường Việt Nam, được tranh mua, tranh bán, lại có chỉ số P/E quá cao, có khi cao hơn 100, theo nhận định mới công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam.

Đó là cổ phiếu các công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PVD có chỉ số P/E tới 328, công ty Cổ phần Vận tải Xăng Dầu Đường Thủy VIP có chỉ số 112, công ty Địa ốc Hòa Bình HBC có chỉ số 162.

Nói một cách đơn giản và nếu không có gì thay đổi, thì người sở hữu một cổ phiếu có chỉ số P/E là 112 thì phải chờ chừng đó năm thì mới thu lại được vốn qua việc nhận cổ tức.

Hiện tượng giá cao bất thường đó làm các nhà chuyên môn về tài chính không yên tâm. Một chuyên viên Việt Nam không ngạc nhiên khi đưa ra nhận định :

“Nhà đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán thì chắc chắn sẽ tung ra những tin đồn có lợi cho họ. Họ nói giá cổ phiếu loại này đang lên, đang lên, đang lên, và khi nó lên cao thì họ sẽ bán ra. Khi họ mua vào thì tung ra những thông tin để cho giá nó sụt xuống để họ thu vào. Các nhà đầu cơ hòan toàn có khả năng làm việc đó.”

Thật ra, tìm cho được chỉ số P/E của một loại cổ phiếu không phải là việc dễ dàng tại một thị trường chứng khoán còn non trẻ như tại Việt Nam. Lý do là việc chia cổ tức chưa được xúc tiến thường xuyên và minh bạch. Thêm vào đó là lượng thông tin về các doanh nghiệp đã chưa đầy đủ, mà còn chưa chính xác.

Hệ quả

Do đó, trong cơn sốt chứng khoán, người mua phần lớn chỉ dựa vào cảm tính của mình, hoặc của....bạn bè, hay người tư vấn....Mục tiêu là làm sao "đánh nhanh, rút gọn" với "chiến lợi phẩm" theo lời mô tả của một nữ viên chức SàiGòn.

“Ví dụ họ mua theo dạng cổ phiếu này ngày hôm nay có mức giá này. Ngày mai có thể nó có giá cao hơn một tí thì người ta bán ngay, thì được lời. Rõ ràng là như vậy, nhưng không phải ai cũng lời. Nó chỉ là cơn sốt ảo mà thôi.”

Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa là thị trường chứng khoán Việt Nam tạm ngưng để ăn Tết. Trong thói quen thu hết lợi nhuận, nợ nần về trước cuối năm, không ít nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu ra.

Nếu không, trong vài ngày ngưng giao dịch, thị trường cổ phiếu trầm lắng xuống ít nhiều, bớt sốt đi, thì hệ quả là sẽ có một số không ít người đành chịu thua thiệt. Ngoài ra còn tác động xấu tới một số khu vực liên quan như lời cảnh báo của nhà chuyên viên tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.

“Đặc biệt hiện nay các ngân hàng đang cho vay, cầm cố chứng khoán, cổ phiếu nữa. Nếu như thị trường chứng khoán biến động, sụt giảm, thì không những ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng.”

Tuy nhiên, ngân hàng là nơi quy tụ các chuyên viên kinh tế tài chính nên giới bị tác động nhiều nhất vẫn sẽ là các nhà đầu tư non tay, ít kiến thức và kinh nghiệm. Thị trường chứng khoán Việt Nam bây giờ không còn thuần nghĩa là nơi đầu tư lành mạnh, mà là một canh bạc, có kẻ ăn người thua.

0 comments: span.fullpost {display:inline;}