Thursday, February 8, 2007

Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 8-2-2007)


Thy Nga, phóng viên đài RFA

Cuối tuần rồi, trong nước lại diễn ra một đợt bắt bớ, tịch thu máy vi tính của các nhà dân chủ. Ngay sau khi nghe tin luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, … bị Công an đưa đi thẩm vấn, nhiều thính giả và bạn đọc đã email đến Đài. Từ trong nước, thính giả Q.V.

Tải audio cua bài này xuống

“Nghe luật sư Lê thị Công Nhân thuật lại với RFA về những gì xảy ra, tôi càng thấy rõ cách làm việc và hành xử của Công an tùy tiện, vô lối tới thế nào. Mấy viên Công an nói rằng Văn phòng luật sư Thiên Ân mở lớp giảng dạy về Nhân quyền, là phạm luật, thì luật pháp Việt Nam ra sao nhỉ?”

Thính giả Ngọc Tuấn ở Tiệp, cho rằng: “Đây là hành vi khủng bố người dân! Chính phủ Việt Nam đã ký kết, và tuyên bố tôn trọng bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhưng thực tế thì lời nói không đi với việc làm.

Sự tranh đấu của những người như luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, ... thể hiện lòng yêu nước vô cùng trong sáng, muốn đất nước được phát triển mọi mặt. Giới cầm quyền nên hiểu rằng Phê phán chế độ không có nghĩa là chống phá tổ quốc.”


Bạn Tom Ngô góp ý: “Hành vi trấn áp đó cho dư luận thấy rõ thêm nỗi e sợ của chế độ cầm quyền trước những đòi hỏi quyền sống của người dân.”

Bạn Ken Nguyễn “vô cùng phẫn nộ trước sự đàn áp thô bạo đó. Chị Lê thị Công Nhân là tấm gương sáng cho giới trẻ chúng tôi noi theo. Chúng tôi ủng hộ, và ngưỡng phục sự kiên cường, bất khuất của Chị.”

Cảm nghĩ của thính giả Bình Hoàng: “Luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân và kỹ sư Bạch Ngọc Dương đều là những người trí thức gan dạ.

Họ hiểu về luật pháp Việt Nam cũng như luật quốc tế, các quan chức sẽ đuối lý. Điều họ làm là chính nghĩa nên được dân chúng ủng hộ, và thế giới giúp đỡ. Chúc các cháu dũng mãnh và hào hùng trước bạo quyền.”


Chia sẻ nỗi quan tâm

Nhiều thính giả như ông Ngọc Khôi ở Canada, ông Nguyễn Kim Luân ở Pháp, xin chia sẻ nỗi quan tâm về trường hợp luật sư Lê thị Công Nhân. Thính giả Ngọc thì thuật lại chuyện đã xảy ra với bà:

“Nghe tin Công an bắt bớ, tôi nhớ lại chuyện như sau, xảy tới với tôi vào cuối thập niên 1970 tại Saigon nơi nhà một góa phụ rất nghèo. Tôi không rõ về người này, chỉ biết bà sống với mẹ già và các con mà một đứa bị bệnh nan y, nên tôi đến thăm.

Khoảng nửa tiếng sau khi tôi vào nhà đó thì Công an đến bủa vây và xông vào, hỏi tôi là ai, liên hệ thế nào với người chủ nhà, và đến đây để làm gì? Tôi trả lời là không quen biết chủ nhà nhưng nghe hoàn cảnh chị ấy có đứa con bị bệnh trầm kha nên đến an ủi chị mà thôi.

Anh Công an nói với tôi: “Chuyện của gia đình này, cô không phải lo, đã có Đảng và Nhà nước lo! Tôi cảnh cáo cô là từ giờ, cô không được vào nhà này nữa. Nếu tái phạm thì chúng tôi sẽ bắt cô và xử theo hình luật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Rồi anh ta buộc tôi ra khỏi nhà.

Vì sợ hãi và nhu nhược, tôi đã không trở lại thăm gia đình ấy Sau đó thì tôi vượt biên. Không biết là chị ấy và các con chị ra sao? Bản tin này cho thấy rằng Công an Việt Nam không thay đổi. Và đây là điều tôi rất buồn.”


Xin cám ơn bà Ngọc đã viết đến Đài, chia sẻ câu chuyện mà chúng tôi hiểu là bà vẫn mang nặng trong tâm tư dù rằng thời gian trôi qua đã lâu. Quãng thời gian đó, chúng tôi nhiều người còn ở trong nước nên thông cảm lắm.

Chính sách Hoa Kỳ

* Thính giả ký là “Vô danh” nêu thắc mắc: “Chính sách của Hoa kỳ đối với Việt Nam có vẻ gì đó không hợp lý: một đằng kêu gọi Việt Nam dân chủ hoá, nhưng một đằng thì làm ngơ trước những vụ đàn áp các nhà hoạt động cho dân chủ. Chính sách ấy của Hoa Kỳ đem lại cho họ các quyền lợi gì?”

Ông theo dõi thời sự hẳn cũng biết ít nhiều về chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ tại châu Á cũng như thể chế dân chủ của Hoa kỳ với các ngành hoạt động độc lập với nhau, và nhất là quyền tự do phát biểu tại nước này, thế nên, nếu có những ý kiến khác biệt nhau về cùng một vấn đề thì cũng dễ hiểu thôi.

Thí dụ như chuyện xảy ra cách nay mấy tháng, trong khi Ủy ban Quốc tế về Tự do Tôn giáo của Quốc hội Hoa kỳ yêu cầu giữ Việt Nam trong danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm (tức CPC) thì bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại quyết định rút tên Việt Nam khỏi danh sách đó.

* Tháng 5 tới đây tại Việt Nam, sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội. Thính giả Tính Nguyễn có câu hỏi hay hay, là tại sao giới cầm quyền Việt Nam bắt tù các cầu thủ bóng đá về tội “dàn xếp tỷ số” trong khi mấy ông trong “Mặt trận Tổ quốc” dàn xếp đưa người ra ứng cử, rồi dàn xếp cho ứng viên được đắc cử vào Quốc hội, lại chẳng sao cả? Cũng là dàn xếp, mà đưa người vào Quốc hội còn làm khổ lắm người dân hơn!

Quyền tự do báo chí tại Việt Nam

* Sau khi nghe về tình trạng quyền tự do báo chí tại Việt Nam, bạn Roman Phạm nói lên cảm nghĩ:

“Quyền tự do báo chí, quyền tự do bày tỏ quan điểm phải được nới rộng, do sự phát triển đi lên về kinh tế, cùng với tầm hiểu biết ngày càng nhiều của dân chúng. Trước tiên, ta phải biết là ta có cái quyền đó, chứ đừng chờ đợi chế độ ban cho.”

Tuần qua, RFA Việt ngữ nhận được nhiều email của giới trẻ. Bạn Nguyễn Hoàng “mong các anh chị ngày càng có nhiều thông tin về phong trào Dân chủ tại Việt Nam, và đưa nhiều tin tức để cho em và đồng bào biết thêm về cuộc sống quanh mình.”

Thư của bạn đọc K.A.: “Năm ngoái du học ở Âu châu, em mới có dịp đọc nhiều bản tin ở đài Á Châu Tự Do. Đài có những tin rất thời sự và đáng tin cậy. Em đã biết nhiều về tình hình Việt Nam hơn là khi còn ở trong nước với chỉ có các báo của Đảng Cộng sản.

Nhưng khi về Việt Nam thì nguồn thông tin này bị cắt ngay vì em không vào được Web của Đài. Em đã thử nhiều cách vượt tường lửa nhưng không thành công.

Vậy xin các anh chị gửi “Bản tin hàng ngày” cho em có thể mở rộng tầm nhìn về thực trạng đất nước của mình. Chúc các anh chị luôn năng động để đài Á Châu ngày càng góp phần vào công cuộc đòi hỏi tự do dân chủ cũng như phục hưng nước nhà.”


Bạn đã có may mắn ra nước ngoài, là dịp để so sánh tình trạng nước nhà với các nước khác. Tự mình suy luận nên những nhận thức này hẳn là rất quý. RFA Việt ngữ cám ơn bạn đã theo dõi chương trình, chúng tôi đã gửi “Bản tin hàng ngày” trong đó có kèm các Proxy và đường dẫn đến các trang web khác tới bạn rồi đấy.

Giới trẻ

* Từ hải ngoại thì bạn Carter Nguyễn viết đến RFA Việt ngữ, sau khi nghe các chương trình “Diễn đàn bạn trẻ” mới đây:

“Tôi thích thú đặc biệt về những câu trả lời cũng như ý kiến rất “Sàigòn” của anh Thanh, hóm hỉnh, mộc mạc nhưng khá sâu sắc. Mong rằng đất nước chúng ta vẫn và sẽ có rất nhiều người như anh Thanh ...”

Và cũng như nhiều bạn trẻ khác, Triết Phan ở California, Hoa Kỳ cho rằng “Diễn đàn bạn trẻ” là tiết mục rất hay, giúp giới trẻ như tụi em hiểu biết về tình hình nước nhà. Có thể nói là hữu ích cho sự phát triển, cho tương lai đất nước sau này. Xin Đài xem xét cho “Diễn đàn bạn trẻ” dài hơn được không.”

Yêu cầu của Triết, cũng như của một số bạn khác, chúng tôi ghi nhận để trình lên ban Giám đốc. Thế này thì có lẽ phải đi “clone” thành vài cô Trà Mi nữa, mới đáp ứng nổi những lời kêu gọi đấy!

* Cũng từ miền nắng ấm California, nơi qui tụ đông đảo người Việt tỵ nạn, bạn Chấn Quốc gửi đến ban Việt ngữ lá email rất dễ thương, viết là

“Biết RFA từ hai năm nay, ngày nào em cũng phải nghe được tiếng của các anh chị thì ngủ mới ngon. Nghe RFA nhiều đến nỗi các tiếng nói dễ mến ấy trở nên quen thuộc như âm thanh của người trong nhà, hồi nào không hay …”

Anh chị em trong ban thích thú lắm khi đọc đến đoạn này, Quốc à. Còn gì vui sướng hơn cho người làm phát thanh khi hay biết là tiếng nói của mình đến với mọi nhà và được quý vị thương mến như thế.

Quốc nói là nghe RFA đã hai năm mà giờ đây, mới email đến chúng tôi? Vậy thì từ nay, phải chịu khó viết đến ban Việt ngữ thường xuyên nhé.

* Cùng lúc ấy, thính giả Ánh cho hay: “Khi tôi về thăm Việt Nam, tôi đã giới thiệu rất nhiều về RFA Việt ngữ vì thông tin của quí đài giúp đồng bào trong nước hiểu hơn, nhất là cho các thanh niên - rường cột quốc gia - biết tìm đường đúng mà đi.”

Những thư từ khác

Thư của bạn Minh Đức ở Đồng Nai, Thy Nga đã nhận được. Rất cảm động về những lời trong thư, xin chúc bạn cùng gia quyến an mạnh và nhiều may mắn trong năm Đinh Hợi.

* Từ mấy tuần nay, RFA Việt ngữ nhận được nhiều lời chúc Tết trong hầu hết những thư và lời nhắn. Đặc biệt là bạn Jimmy Phạm kèm theo Slideshow rất đẹp với những câu thơ và hình ảnh về Tết Nguyên Đán; từ Paris bên Pháp, ông Nguyễn Văn Trước gửi đến toàn ban những bông mai vàng thắm trên tấm thiệp; từ Cali thì ông Dzuy làm một bài thơ với những lời khen tặng ban Việt ngữ, và một bài thơ nữa tựa đề là “Đón Xuân Đinh Hợi” gửi đến đồng bào bên nhà. Xin trích đoạn:

“… Bao năm xa cách, đợi mong

Tình quê vẫn thắm, vẫn nồng như xưa

Nhớ thương kể mấy cho vừa

Mùa xuân ly tán vẫn chưa nhạt nhòa

Bỏ quê hương đấy đi xa

Mỗi lần Xuân đến thiết tha nhớ nhiều

Quê hương tôi thật đáng yêu!

Ra đi để lại bao nhiêu là tình

Giờ tuy đã hết chiến chinh

Chẳng còn khói lửa điêu linh từng ngày

Vậy mà “Ai đấy” có hay

Người dân vẫn phải đọa đầy, khổ đau …

Niềm thương, nỗi nhớ dâng cao

Tình quê chan chứa, dạt dào, mênh mang”


Xin cám ơn ông Dzuy về cảm tình ưu ái dành cho chúng tôi. Tết này là ban Việt ngữ RFA phát sóng được trọn 10 năm rồi đấy! biết bao vui buồn … vui vì cảm thấy mình đóng góp được chút ít cho đời sống đồng bào bên nhà, nhưng buồn khi còn phải tiếp tục tường trình những chuyện thương tâm ở trong nước mà lẽ ra không nên xảy ra.

Lắm khi cũng mệt mỏi nhưng tình thương mến của thính giả và bạn đọc như tiếp sức cho chúng tôi, khích lệ chúng tôi rất nhiều trong công việc tại Đài.

Nhân dịp Tết đến, ban Việt ngữ RFA thân mến chúc toàn thể thính giả và bạn đọc vạn sự như ý nguyện trong năm Đinh Hợi.

0 comments: span.fullpost {display:inline;}